Nhận định Lê_Tương_Dực

Đại Việt Sử ký Toàn thư có một số nhận định về Lê Tương Dực:

Vua buổi đầu lên ngôi, ban hành giáo hóa, thận trọng hình phạt, cũng đáng coi là có công nghiệp. Song chơi bời vô độ, xây dựng liên miên, dân nghèo thất nghiệp, trộm cướp nổi lên, dẫn đến nguy vong là bởi ở đấy.

— Đại Việt Sử ký Toàn thư[1]

Linh Ẩn gian dâm với vợ lẽ của cha, để tang cha mẹ ít ngày, mượn tên của anh để cướp nước của người khác, xa hoa dâm dục quá độ, hình phạt nặng, thuế khóa nhiều, giết hết các thân vương, can qua xảy ra khắp nơi, người thời ấy gọi là "vua lợn", điềm nguy vong đã được thấy đó!

— Đại Việt Sử ký Toàn thư[1]

Mặc dù được xem là một hôn quân khét tiếng thời Lê sơ bên cạnh Lê Uy Mục, Lê Tương Dực thực chất là một nhà cai trị thông minh và có năng lực. Trong thời gian trị vì, vị hoàng đế này vẫn có những đóng góp nhất định. Những việc làm có ích, đáng khen ngợi của Tương Dực, nhất là giai đoạn đầu làm vua có thể kể đến như đề cao sự hiếu nghĩa, luôn chủ động trong đối ngoại với nhà Minh Trung Quốc và với các quốc gia ở phương Nam và phía Tây là ChampaAi Lao. Vua đặc biệt rất cứng rắn trong việc giữ gìn nội trị, sai quân đánh dẹp, thậm chí có lần còn thân chinh chỉ huy việc bình định phản loạn, khôi phục lại ổn định địa phương. Vai trò duy trì an ninh quốc gia của Tương Dực càng được thể hiện rõ sau khi ông bị hại, khi nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân liên tiếp nổ ra, và các tướng lĩnh triều đình cũng quay sang đánh giết lẫn nhau, khiến nhà Lê sơ trải qua cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài cho đến khi sụp đổ năm 1527. Ngoài ra ông cũng giải quyết ruộng đất cho nông dân; phân định rõ ràng các loại thuế và để khuyến khích việc nông tang, có lần vua còn tự mình cày ruộng tịch điền. Về xây dựng kiến trúc, sử sách chê rằng Lê Tương Dực làm quá nhiều việc thảo mộc, nhưng không thể phủ nhận những công trình ấy đều có quy mô hoành tráng và vĩ đại, thể hiện tài năng của người thợ nước Việt. Tuy nhiên, ông lại sớm thỏa mãn với những thành tựu đã đạt được để rồi sớm sa vào lối sống hưởng lạc, phóng túng, không chủ trương "khoan thư sức dân" mà lại thích xây dựng nhiều công trình to lớn làm tổn hao ngân khố, bóc lột sức dân đến tận xương tủy dẫn đến cơ nghiệp sụp đổ. Ngoài ra do bị coi là người háo sắc, dâm dật nên cuối cùng Lê Tương Dực còn phải mang biệt danh đầy tai tiếng là "vua lợn".[13].

Lê Tương Dực được xem là vị hoàng đế có thực quyền cuối cùng của nhà Hậu Lê, vì Lê Chiêu Tông, Lê Cung Hoàng cũng như các vị hoàng đế thời Lê Trung Hưng sau này chỉ còn là những con rối trong tay của các quyền thần, bao gồm cả chúa Trịnh. Vì thế, cái chết của ông đã đánh dấu sự suy yếu của chế độ phong kiến tập quyền trong lịch sử Việt Nam.